<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
An Nhiên Thị Tịch : Trần Quang Thuận
Tác giả:

AN NHIÊN THỊ TỊCH
Dấu ấn hoằng hóa của Hòa Thượng Thích Trí Chơn trên đát Mỹ.
                                                                                        TRẦN QUANG THUẬN

          Hòa Thượng Trí Chơn ra đi âm thầm, như lúc Hòa Thượng đến :  an nhiên, bình dị. Tuy nhiên không vì thế mà dấu ấn hoằng hóa của Hòa Thượng tại Hoa Kỳ không sậu đậm, bền vững trong lòng những người Hòa Thượng quen biết .
          Năm nay chỉ trong vòng một tháng ba người thân trong gia đình đạo của tôi đã rời bỏ tôi đi về bên kia thế giới :  Hòa Thượng Trí Chơn, sư bà Diệu Bảo và sư bà Bảo Nguyệt..
          Mới ngày nào đó trong dịp kỵ “Ôn” tại chùa Linh Mụ, Huế, sư bà Bảo Nguyệt, viện chủ chùa Diệu Giác, Sài gòn trách tôi không ghé thăm chùa và thăm Sư Bà trong những chuyến về Việt Nam. Tôi hứa sẽ viếng thăm sư bà năm 2011. Năm nay về Việt Nam, tôi định sau chuyến hành hương Miến Điện, Lào, Cao Mên sẽ đến thăm sư bà thì được tin sư bà đã qua đời. Tôi vội vã đến Chùa Diệu Giác tiễn đưa sư bà về cõi Phật. Nhìn chiếc quan tài, nhìn hình bóng sư bà, tôi ngậm ngùi tưởng nhớ công hạnh sư bà nuôi trẻ mồ côi, dắt dẫn đàn hậu bối và ân hận không đuợc gặp sư bà truớc khi sư bà viên tịch..
          Sư bà Diệu Bảo, viện chủ chùa Diệu Tràng bị bệnh parkinson, nhiều năm nằm liệt giường, năm 1947 đã cùng sư bà Diệu Lý, sư bà Thanh Quang, Ni Trường Diệu Đức, vội vã may cho tôi bô y phục che thân khi tôi bị kẻ trộm lấy hết tất cả y hậu, quần áo, chỉ còn chiếc quần đùi khi ra làm vườn tại chùa Linh Mụ ;  sư bà đã giúp tôi ẩn tránh tai mắt mật vụ công an thời Ngô Đình Diệm. . .  Năm nay vừa về Việt Nam, sau khi thăm viếng quí Hòa Thượng, trên đường đến Long Khánh thắp hương tưởng niệm cố Hòa Thượng Nhật Liên, tôi ghé Chùa Diệu Tràng, thăm sư bà. Cầm bàn tay teo tóp của sư bà, tôi hỏi sư bà có biết ai đang đến thăm, đến cúng dường, sư bà gật đầu, chảy nước mắt. Nhưng rồi chỉ một tháng sau, sư bà nhắm mắt lìa đời !  Tôi đến phúng điếu, tưởng nhớ đến những ngày sư bà cùng sư bà Tịnh Tâm đến nhờ tôi dạy tiếng Anh và hướng dẫn phương thức nghiên tầm Phật học.
          Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, xuất gia năm 1950 làm đệ tử của đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, là một học sinh ưu tú trường Bồ Đề Huế từ năm 1952 đến 1956, thời gian tôi ở nước ngoài cho đến năm 1961. Sau khi về nước vài năm lại là lúc Hòa Thượng sang Thái Lan rồi sang Ấn Độ du học cho mãi đến năm 1977 Hòa Thượng được Hòa Thượng Thiên Ân bảo lãnh sang Hoa Kỳ hoằng hóa, tôi mới có dịp gặp gỡ thường xuyên. Hòa Thượng đến Hoa Kỳ vào lúc dân Việt Nam lần lưọt đến Hoa Kỳ tị nạn.
          Hòa Thượng Trí Chơn đến Hoa Kỳ vào lúc người Mỹ đã tiếp nhận Phật Giáo với sắc thái dặc biệt. Lục địa bắc Mỹ có hai cái đầu, một cái nhìn về Âu Châu, một cái hướng về Thái Bình Dương. Các đây vào khoảng 16,000 năm, Tây Bá Lợi Á (Siberia) và Bắc Mỹ là tảng đất liền, không bị phân cách như bây giờ bởi ven biển Bering rộng 53 dặm, nơi hẹp nhất giữa hai lục địa. Vì là một tảng đất liền nên các thổ dân quanh hồ Baikal ở Tây Bá Lợi Á, ngày nay thuộc liên bang Nga, đã tiến về phía nam đến châu Mỹ để săn thú rừng, kiếm vật thực và dần dần định cư. Những sắc dân Á Châu này, Kha Luân Bố (Cristiforo Colombo - Chistopher Columbus) đã gọi lầm là dân Ấn Độ khi ông đến Tân Thế Giới, Mỹ Châu mà tưởng là đến Ấn Độ, Á Châu. Để phân biệt với dân Ấn Độ Châu Á, người ta gọi các sắc dân ở Tân Thế Giới là dân Ấn Độ Đỏ (Red Indians), nói tắt là dân Da Đỏ.
          Châu Mỹ gồm hai tảng lục địa Bắc Mỹ và Nam Mỹ, được nối liên bởi dãy núi ngầm Pamana duới lòng biển. Vùng Bắc Mỹ rộng 9,213,000 dặm vuông Anh, gấp đôi Âu Châu. Cuối thế kỷ 15, dân số thế giới vào khoảng 400 đến 450 triệu. Trung Quốc và Ấn Độ mỗi nước 100 triệu, Âu Châu có khoảng 80 triệu. Tại Châu Mỹ dân cư thưa thớt trừ vương quốc Aztecs có 5 triệu và quốc độ Incas 3 triệu.
          Vào cuối thế kỷ 15 các sắc dân Incas, Mayas, Azrecs ở Tân Thế Giới đang bận rộn xây dựng nếp sống văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng thần linh, thờ cúng ông bà, thì ở phương tây Cơ Đốc Giáo và Hồi Giáo đang tranh dành ảnh hưởng vùng Địa Trung Hải.
          Dân Da Đỏ gần 2 triệu người sống rải rác trong một vùng đất rộng ở miền tây nam Hoa Kỳ, phía đông là Đại Tây Dương, phía nam giáp giới vịnh Mexico, phía tây Texas, phía bắc giáp thung lũng Missisippi và Ohio, hiện nay là Georgia, Florida, South Carolina, North Carolina, Alabama, Mississippi, Arkansas, Tennessee, đông Texas, Missouri, Illinois và Kentucky. Họ thuộc nhiều bộ lạc, nói nhiều thứ tiếng, theo chế độ mẫu hệ.
          Mỹ Châu thời tiền Columbus không những do các sắc dân gốc Á Châu đến sinh sống cách đây trên 10,000 năm mà văn minh châu Á, đặc biệt văn minh Phật Giáo đã có ảnh hưởng rất mạnh với các nền văn minh cổ Azrec, Toltec, Maya và Inca ở vùng Mesoamerica hiện nay là Mexico, Trung và Nam Mỹ. Năm 458 một phái đoàn Phật Giáo Trung Hoa do đại sư Hui Shan hướng dẫn, từ Ki-Pin (Kabul), A Phú Hãn (Afghanistan) đã đến nuớc Fu-Sang (Mexico), hoằng truyền chánh pháp, mang theo kinh sách, hình tượng Phật.
          Di tích lịch sử cổ đại Châu Mỹ đầy dẫy hình ảnh voi, rắn, rồng, mặc dầu Mỹ Châu không có voi. Cổ kinh Mexico đầy dẫy hình ảnh Phật Giáo. Nghệ thuật khắc tượng đá bằng hình voi được nhà thám hiểm Catherwood tìm thấy trên những cột trụ bằng đá tại Copan, di tích văn minh Maya, Trung Mỹ. Ngoài ra tại Wisconsin người ta khám phá ngôi mộ đắp hình voi tại Iowa, ống điếu hút thuốc khắc hình voi. Garuda là con chim thần thoại Ấn Độ. Trong thần thoại Phật Giáo Naga (rắn, rồng) và Garuda trở thành đệ tử Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền. Trong thần thoại Nhật Bản, Tengu là Garuda, là Thần Núi. Tại Trung Quốc, con kỳ lân thần thoại là biến dạng của Garuda. Hình tượng chim đại bàn Mexico mỏ, chân quặp rắn là hình tượng Garuda Ấn Độ. Tất cả nói lên nguồn gốc, xuất xứ của một nền văn hóa cổ đại.
          Năm 1488, giữa thế kỷ 15, nhà thám hiểm Bồ Đào Nha (Portugal) Bartholomeu Diaz đi tàu buồm dọc theo duyên hải miền tây Phi Châu quanh mũi Good Hope vào Ấn Độ Dương rồi trở về Lisbon báo cáo đã khám phá đường biển đi Ấn Độ. Năm 1492 nữ hoàng Isabella nước Tây Ban Nha (Spain) bảo trợ cho Kha Luân Bố tìm Tân Thế Giới. Những vùng đất mới giờ đây là mục tiêu thống chiếm của hai đế quốc Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Hai nước tranh dành quyền làm chủ, kêu gọi Giáo Hoàng Alexander VI phán xử. Hiệp Ứơc Tordesillas năm 1494 Giáo Hoàng Alexander VI dành cho Tây Ban Nha tất cả đất đai ở Tân Thế Giới ngoại trừ Brazil và toàn vùng Viễn Đông cho Bồ Đào Nha ngoại trừ Phi Luật Tân và Nhật Bản. Vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có trách nhiệm thành lập Giáo Hội, cải đạo dân bản xứ, một sự hợp tác giữa các nhà truyền đạo và quân thuộc địa. Năm 1600 tại vùng Tây Ban Nha xâm chiếm có vào khoảng 5,000 linh mục đến truyền đạo. Khi chế độ thuộc địa cáo chung, hầu hết công dân Nam Mỹ đều là tín đồ của Nhà Thờ. Mặc dầu cải đạo, dân bản xứ vẫn tiếp tục tin tưởng thần linh truyền thống. Thỉnh thoảng chính quyền địa phương tổ chức những cuộc bố ráp, đã khám phá và bắt giam 20,893 người dân bản xứ còn thờ cúng thần linh, trong đó có 1,618 tu sĩ truyền thống. Chính quyền địa phương đập phá, thủ tiêu 1,768 hình tượng thần linh lớn, 7,288 hình tượng thần linh nhỏ, 1,365 xác ướp, 40 phù thủy bị giam giữ lâu ngày để được giáo huấn, cải tạo.
          Thái độ của hàng giáo sĩ Cơ Đốc Tây Ban Nha đối với dân bản xứ, đối với văn hóa, tín ngưỡng của dân bản xứ rất rõ ràng :  không tà ma, ngoại đạo, không ý kiến phê phán. Tất cả phải tuân hành mệnh lệnh của hàng giáo sĩ, của Giáo Hội. Thánh đường nguy nga tráng lệ được xây dựng khắp nơi. Thánh đường tại Mexico City không thua gì thánh đường lớn tại Tây Ban Nha. 
          Dân bản xứ không đủ sức cung ứng nhân công khai thác thuộc địa. Chính quyền Tây Ban Nha thi hành chính sách nhập cảng dân nô lệ từ Phi Châu. Giáo Hoàng Nicholas V là một Giáo Hoàng tốt, nhưng vì nhu cầu, ngài cho phép nhập cảng dân nô lệ. Tất cả giáo đường, nhà thờ, tu viện đều có dân nô lệ phục dịch.
          Trong giai đoạn thiết lập hệ thống cai trị, quân đội Tây Ban Nha không thể mang theo vợ con, đàn bà, con gái, họ lấy người địa phương làm vợ chính, vợ lẽ. Có người lấy trên ba chục vợ lẽ, đã phạm tội trước mặt Giáo Hội, nhưng vì tình thế, Giáo Hội ngoảnh mặt làm ngơ.
          Anh quốc thấy Tây Ban Nha thành công ở Tân Thế Giới không thể ngồi yên. Nữ hoàng Elizabeth I cho phép Walter Raleigh và em cùng mẹ khác cha Humphrey Gilbert đến Tân Thế giới với mục tiêu đặt nền đô hộ tại đây.
          Vào cuối thế kỷ 17 hai quốc gia thành công nhất trong việc chiếm Tân Thế Giới đó là Tây Ban Nha và Anh Quốc. Tây Ban Nha chiếm vùng tây nam, Anh quốc vùng bờ biển Đại Tây Dương và miền đông sông Mississippi. Pháp quốc có vài vùng thuộc địa lẻ tẻ. Đức, Hòa Lan tại Pennsylvania, New York, New Jersey. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Nga đã sử dụng các đoàn truyền giáo trong chính sách thực dân, chiếm đất, khai thác tài nguyên. Anh và các nước Âu Châu khác đến Châu Mỹ làm ăn, buôn bán, tìm tự do tôn giáo và cuối cùng thực dân thuộc địa.
          Dân Âu Châu đến Mỹ định cư, lập nghiệp vì tài nguyên thiên nhiên, vì đất rộng mênh mông, vì muốn tìm tự do tín ngưỡng. Từ năm 1700 đến 1820 số dân di cư từ Âu Châu đến Mỹ vào khoảng 8,000 người mỗi năm. Sau 1820 đến năm 1850, số dân di cư tăng lên 12,000 mỗi năm. Đến năm 1850 thì một phần tám của 32 triệu dân cư trú tại Hoa Kỳ là gốc Âu Châu. Boston, Philadelphia có nhiều cọng đồng người Ái Nhĩ Lan (Ireland). Dân di cư Đức mua đất ruộng tại Michigan, Wisconsin, Minnesota, St. Louis, Cincinnati và Louseville để canh tác.
          Năm 1800 tại Mỹ có vào khoảng một triệu dân da đen, nhưng đến năm 1830, tổng số dân da đen tăng lên 2 triệu. Năm 1860 vào khoảng 4 triệu . . . Số lượng bông goòn sản xuất tương đương với số dân nô lệ nhập cảng.
          Chế độ nô lệ là vấn đề tranh chấp giữa Nam và Bắc Mỹ, là nguyên nhân khiến các tiểu bang miền Nam muốn tách rời khỏi Liên Bang, là nguồn gốc nội chiến, được mệnh danh là Cuộc Cách Mạng Thứ Hai, cách mạng giải phóng nô lệ, kéo dài từ năm 1861 đến 1865. Trong cuộc nội chiến này miền Nam mất một phần tư dân số người da trắng, ruộng vườn đồn điền bị phá hủy ;  hai phần năm tổng số gia súc, một phần nửa máy móc dụng cụ nông nghiệp bị thiệt hại. Công tác kiến thiết sau chiến tranh thật khó khăn và lâu dài.
          Vào thời điểm này, một hiện tượng lạ xuất hiện tại Hoa Kỳ :  Thông Linh Học Chiêu Hồn Thuật (Spiritualism) Hoa Kỳ ra đời, bắt đầu năm 1848 khi hai chị em 12, 13 tuổi của gia đình họ Fox tại Hydesville, tiểu bang New York nghe những tiếng lạch cạch thần bí tại nông trại gia đình. Hai cô chế ra một thứ ám hiệu bằng câu hỏi và trả lời, về sau trở thành bàn cơ, viết cơ, tiên tri qua phép cầu cơ truyền thống của Tây Tạng với 4 thần cơ : Thần Cơ Cachum, Thần Cơ Karmasar, Thần Cơ Chaka và Thần Cơ Nagpa. Lời Cơ giáng xuống qua hình thức thơ, phú, ý nghĩa bóng bảy. Chẳng bao lâu, vào thập niên 1870, khắp vùng,  nhiều người cầu cơ xuất hiện cho biết họ có thể “nói chuyện” với những bậc vô hình ngoài hành tinh.
          Thông Linh Học phát triển sau Nội Chiến Hoa Kỳ làm vơi bớt niềm khổ đau của bà con bị chết trong cuộc chiến, đồng thời cho họ niềm an ủi là những người quá vãng ấy thực sự còn tồn tại bên kia thế giới. Hội Biện Chứng Luân Đôn (London Dialectical Society) bảo trợ cuộc điều tra về hiện tượng này.
          Một ngày vào tháng 7 năm 1874, cựu đại tá Henry Steel Olcott đến sạp báo mua tờ The Banner of Light, một tờ báo của Hội Thông Linh Học, trong đó có bài tường thuật về hiện tượng xảy ra tại nông trại của hai anh em Eddy ở Chittenden, tiểu bang Vermont. Những người đến thăm trại có thể nói chuyện với người thân quá vãng. Đọc bài tường thuật trong báo The Banner of Light  xong, Olcott quyết định đến trại Eddy để điều tra và ông đã viết một bài tường thuật đăng trong báo Sun. Ngày 14 tháng 10 Olcott trở lại. Lần này ông gặp bà bá tước Helena Petrova Blavatsky người Nga, một thần linh học gia, thông thạo Mật Giáo Tây Tạng và một số bằng hữu. Họ, sau một thời gian bàn thảo, quyết định thành lập Hội Thông Thiên Học (The Theosophy Society), ra mắt ngày 17-11-1875.
          Năm 1879 bà Blavatsky và ông Olcott đến Ấn Độ kết hợp hai tổ chức Thông Thiên Học Ấn Độ và Hoa Kỳ với danh hiệu The Theosophical Society of Arya Samaj, sau đó đến Tích Lan (Sri Lanka) thành lập 7 chi nhánh Thông Thiên Học lấy tên là Buddhist Theosophical Society of Ceylon.
          Ngày 25-5-1880 bà Blavatsky và ông Olcott quyết định theo Phật, thọ Tam Qui Ngũ Giới tại một ngôi chùa ở miền nam Tích Lan.
          Hội Thông Thiên Học có ảnh hưởng lớn khắp thế giới. Hình thức cầu cơ của Cao Đài Giáo chịu ảnh hưởng của Thông Linh Học qua bốn phép cầu cơ của Phật Giáo Tây Tạng. Theo ông Lê Văn Trung, phong trào Cao Đài là phong trào chấn hưng Tam Giáo dưới hình thức một Tôn Giáo Mới. Hòa Thượng Như Nhàn, chủ chùa Giác Hải, Phú Lâm đã cúng ngôi chùa Từ Lâm, thường gọi là Thiền Lâm, cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Hòa Thượng Như Nhàn đã cho lập trai đàn ba ngày (18-20/11/1926) duới danh nghĩa Phật Giáo Chấn Hưng hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Đạo Cao Đài).
          Hoa Kỳ là một quốc gia gồm nhiều sắc dân đến định cư. Văn hóa của những sắc dân trước thời Kha Luân Bố bây giờ chỉ còn là di sản. Tín ngưỡng 5 vị sư Trung Hoa mang lại cho dân bản xứ bây giờ không còn nữa. Phật Giáo hiện nay được hành trì tại Hoa Kỳ là do ảnh hưởng của các học giả Anh như William Jones, biết 28 thứ tiếng, một luật gia danh tiếng, giỏi đàn, giỏi hát, giỏi thơ phú, là bạn thân của Benjamin Franklin, là người Anh đầu tiên biết đọc, biết viết và biết nói tiếng Sanscrit, được bổ nhiệm vào Tòa Thượng Thẩm Ấn. Ngày 12 tháng 4 năm 1783 Sir William Jones lên tàu từ Portmouth đến Ấn Độ.
          Sir William Jones qua đời năm 48 tuổi sau 12 năm làm việc và nghiên cứu tại Ấn Độ. Kho tàng Sanscrit mà ông khai quật đã được trưng bày khắp thế giới. Mặc dầu ông chưa bao giờ đặt chân trên đất Hoa Kỳ, điều mà ông rất mong muốn, nhưng những công trình nghiên cứu của ông đã gây ảnh hưởng không ít đối với hàng trí thức, học giả Mỹ. Những triết gia tại New England, những Nhà Siêu Việt, Xuất Thế, chán đời sống phù phiếm thế gian, ưa nếp sống giản dị, thanh bình gắn liền với thiên nhiên đều chịu ảnh hưởng tinh thần Á Đông. Một trong những người ấy là H.D. Thoreau (1817-1862), từ bỏ đời sống xô bồ, vào rừng, sống trong một cốc nhỏ, đọc sách, tham thiền, cuốc đất, trồng rau. Thoreau ghi cảm nghĩ của mình trong cuốn Walden khi ông nhìn những người Ái Nhĩ Lan cắt từng tảng nước đá lớn ở hồ Walden trong vườn ông để xuất cảng sang Ấn Độ . . .
          Cuốn Bhagavad Gita mà Thoreau ngồi đọc dưới gốc cây bên ao Walden trong vườn nhà là bộ sách bằng chữ Sanscrit, được Charles Wilkins dịch ra tiếng Anh đầu tiên. Từ Bhagavad Gita, Thoreau đọc bản dịch Kinh Pháp Hoa bằng chữ Pháp của Eugene Burnouf. Quá say mê với lời kinh, chân trời Pháp Hoa mênh mông, vĩ đại. Thoreau liền dịch sang tiếng Anh để độc gỉả nói tiếng Anh được cái may mắn thưởng thức lời kinh.
          Thoreau không những đọc và dịch Kinh Pháp Hoa mà còn muốn tu theo hạnh Pháp Hoa. Ông cất một túp lều nhỏ trong khu rừng của Ralph, cạnh ao Walden, để sống cuộc sống bình dị, thanh thản, ngày ngày tu tập thiền quán.
          Sức hút Đông Phương lôi cuốn Thoreau không phải chỉ Ấn Độ, không phải chỉ những kinh điển cổ xưa mà là một sức mạnh hiện đại, gần gũi hơn, luôn luôn tiềm ẩn trong mọi người trên trái đất. Thoreau viết :  “. . . Tinh thần Á Đông tiềm ẩn trong mọi người, những kẻ khai sơn phá thạch không dừng bước. Và càng đi xa về hướng Tây thì cũng chính là càng đi xa về hướng Đông . . . Cái tinh túy của nhân loại thực ra không hạn chế vào những kinh điển cổ xưa, vì kinh điển được tạo lập chỉ trong thời gian hạn định . . .”.  Thoreau không bị ám ảnh bởi cái khắc khoải của Jones hay của Wilkins thấy cần nghiên cứu cổ ngữ này hay cổ ngữ khác : Trong não bộ của con người đều có Sanscrit. Cổ thư Vedas và những Agamas thực ra không cổ xưa bằng thiền quán. Tại sao chúng ta để cho quá khứ đè nặng lên mình ?  Tại sao chúng ta không sống trong hiện tại ?  Chính trong hiện tại Thoreau đã gặp gỡ những nhà Á Đông học. Ông không tìm kiếm những người này ở địa giới hay thời điểm khác mà tại cái gốc cây gần ao Walden. Sách vở chỉ là phương tiện, thực hành mớu thật sự đi trên con đường mà người xưa đã chỉ bày. Và chỉ qua thực hành mới tự mình chứng nghiệm những gì mình đã đọc, đã học hỏi.
          Ngày 4 tháng 7, 1855 Ralph Waldo Emerson nhận được ấn bản đầu tiên tập thơ Leaves of Grass (Thảo Diệp) của Walt Whitman. Ralph là một thiên tài thời đại. Năm 14 tuổi Ralph được nhận vào trường đại học Harvard. Sau khi nhận được tập Thảo Diệp 6 ngày, Ralph viết thư cho Sam Ward về tập thơ : “Thật tuyệt hảo . . . nói lên cái rộng lượng của Đông Phương, một Buddh Mỹ . . .”
          Whitman hướng về Ấn Độ tìm lẽ sống, tìm nguồn cảm hứng mới, mênh mông hơn, ý vị hơn mặc dầu phải lướt sóng gió, sấm sét thời đại của nền văn hóa Ky Tô, của truyền thống ông cha và bối cảnh lịch sử. Whitman tiến mãi không ngừng, không phải chỉ tìm cảm hứng riêng tư mà còn để cung cấp cho thế hệ hiện tại và mai hậu ánh sáng nhiệm mầu của Trời Đông :
          Set forth- Steer for the deep water only
          Reckless O soul, exploring, I with thee and thou with me
          For we are bound where mariner has not yet dared to go
          And we will risk the ship, ourselves, and all.
                                  (Passage to India- Leaves of Grass)
          Tiến mãi- trong sóng sâu cuồn cuộn
          Hồn chơi vơi, khám phá mãi không ngừng.
          Ta với người và người lại với ta- Chúng ta đến nơi không thủy thủ nào dám đến
          Hiến dâng tất cả : cuộc đời, mạng sống, tàu thuyền xuôi.
              (Bài thơ cuối cùng cuả tập Thảo Diệp : Hành Trình Đến Ấn Độ)
          Năm 1878 tập thơ Light of Asia (Ánh Sáng Á Châu) tả cuộc đời đức Phật và giáo lý của Ngài của Edwin Arnold ra đời. F.B. Sanborn viết bài bình luận đăng trên báo Republican gây tiếng vang lớn đối với độc giả Hoa Kỳ. Oliver Wenkell Holmes viết bài điểm sách 26 trang đăng trong The International Review hết sức ca ngợi. The Light of Asia tạo một ấn tượng đẹp đẽ và cảm động trong đầu óc và tâm khảm của người Hoa Kỳ. Nhiều bà đã khóc khi đọc đoạn thái tử Tất Đạt Đa từ giã vợ con, xuất gia tầm đạo. Arnold bằng lời thơ bóng bảy, đơn sơ, như bức tranh thủy mạc, diễn tả Phật nhập niết bàn, gọn ghẽ trong bốn dòng thơ ngắn :
          He is one with Life
          Yet lives not. He is blest, ceasing to be
          Om Mani Padme Om ! The dewdrop slips
          Inro the shining sea !
          Tạm dịch :
          Người và Nguồn Sống biến thành nhất thể
          Cuộc đời nhân thế, đâu Người trải qua
          Người xa sinh tử Ta Bà, đi vào tịch tịnh hư vô niết bàn
          Úm Ma Ni Bát Mê Hồng !  Giọt sương tan biến đại dương sáng ngời !
          Tập Light of Asia đến nay đã in 80 lần, với tổng số trên một triệu cuốn. Tập Light of Asia đến với Hoa Kỳ đánh dấu diễn trình dài trên một trăm năm kể từ ngày Sir William Jones khám phá kho tàng Sanscrit. Giờ đây Phật Giáo đã trở lại Tân Thế Giới, đối với Tân Thế Giới không còn xa lạ nữa.
          Năm 1977 Hòa Thượng Trí Chơn được Hòa Thượng Thiên Ân bảo lãnh sang Hoa Kỳ. Hòa Thượng Thiên Ân năm 1966 sang Mỹ qua chương trình trao đổi giáo sư, dạy tại trường đại học UCLA (University of California, Los Angeles), thành lập Quốc Tế Thiền Viện (International Meditation Center) năm 1970, thành lập Viện Đại Học Đông Phương (University of Oriental Studies) năm 1973, sáng lập Chùa Phật Giáo Việt Nam (Vietnamese Buddhist Temple) năm 1975, Chùa A Di Đà năm 1976, thành lập Hội Liên Hữu Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 1976 mà tôi được mời làm Hội Trưởng. Hòa Thượng Thiên Ân lấy danh nghĩa Hội Phật Giáo Liên Hữu bảo trở Hòa Thượng Trí Chơn sang Hoa Kỳ hoằng hóa. Năm 1978, một năm sau khi Hòa Thượng đến Hoa Kỳ và làm lãnh đạo tinh thần chùa Vạn Hạnh tại San Diego do đạo hữu Võ Sum, nguyên đại tá hải quân, quân lực Việt Nam Cọng Hòa làm Hội Trưởng, một Đại Hội Phật Giáo được tổ chức tại Chùa Việt Nam, Los Angeles trong ba ngày 29, 30 và 31 tháng 12 năm 1978 qui tụ trên 50 đại biểu của 14 đơn vị. Đại Hội quết định thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.
          Năm 1979 Hòa Thượng Thiên Ân mời Hòa Thượng Đức Niệm sang Hoa Kỳ thành lập Phật Học Viện Quốc Tế. Ngày 23 tháng 11 năm 1980 Hòa Thượng Thiên Ân viên tịch, hưởng thọ 56 tuổi đời, 34 tuổi đạo. Nhân dịp lễ Đại Tường của Hòa Thượng Thiên Ân , Tổng Hội tổ chức Đại Hội Kỳ II vào ngày 1, 2 và 3 tháng 1 năm 1982 tại giảng đường Ananda, Viện Đại Học Đông Phương, với sự tham dự của 83 đại biểu chính thức thuộc 20 đơn vị. Trong kỳ Đại Hội này chức vụ Chủ Tịch được thay thế bằng Hội Chủ và Hòa Thượng Mãn Giác được bầu làm Hội Chủ, Hòa Thượng Trí Chơn làm Phó Hội Chủ kiêm Ủy Viên Tăng Sự, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.
          Sau khi Tổng Hội được thành lập năm 1978, chư Tăng Ni họp tại Washington DC ngày 6-5-1979 thành lập Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại do Hòa Thượng Thích Tâm Châu làm Thượng Thủ suy tôn 7 vị Thượng Tọa lên Hòa Thượng gồm Hòa thượng Tâm Châu, Hòa thượng Trung Quán, Hòa thượng Thanh Cát, Hòa thượng Chân Thường, Hòa thượng Tường Vân, Hòa thượng Lương Sơn và Hòa thượng Giác Nhiên.
          Năm 1983 Tổng Hội tổ chức Đại Giới Đàn Thiện Hòa tại Phật Học Viện Quốc Tế, Hòa Thượng Trí Chơn được cung thỉnh làm đệ tứ Tôn Chứng, tiếp tục lãnh đạo Phật Giáo tại San Diego .
          Từ năm 1984 cho đến 1991 Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ gặp khó khăn. Giáo Hội Phật Giáo Theravada vẫn nằm trong Tổng Hội, Hòa Thượng Hộ Giác là Phó Hội Chủ, nhưng một số chùa đã dần dần đứng ra ngoài Tổng Hội, thành lập những tổ chức riêng biệt. Hòa Thượng Trí Chơn rời San Diego, đến cư trú tại Phật Học Viện Quốc Tế, vân du khắp nơi hoằng hóa.  Hình ảnh Hòa Thuọng Trí Chơn gầy ốm một thân đơn độc ngồi trên chiếc xe buýt xuyên bang đến những nơi hẻo lánh  hoằng truyền, làm tôi liên tướng đến thiền sư Soyen Shaku Nhật Bản trên đường đến Hoa Kỳ hoằng hóa để lại bài thơ nhan đề :
          En Route to America  :
          Like this boat on the spring ocean 
          A monk comes or goes by the dharma-relation
          The horizon seems to be extending endlessly             
          The current however takesus to the New World         
          Yesterday the whales swam around us            
          Today the clouds shutoff the sight of old Japan
          Following in the course of Bodhi Dharma                 
          From the West to the East I go                        
          Then, turning to the South, I may visit             
          IndiăndCeylonagain,makingapilgrimagelike Sudhana
          Beforel ong our boat will enter the Golden Gate                 
          Andtheseagulls,perhaps mayguideme to the destination
     
          dịch :
          Trên Đuờng Đến Mỹ
          Chiếc tàu vuợt sóng biển xuân,
          Mình ta đi lại theo dòng nghiệp duyên,
          Chân trời xa tít mù khơi,
          Bờ Tân Thế Giới sóng cồn đưa ta.
          Hôm qua voi cá lội quanh,
          Ngày nay mây chấn Phù Tang xa vời.
          Theo chân sư tổ Bồ Đề,
          PhươngTây từ giã, phương Đông hướng về,
          Ta chờ thăm viếng miền Nam,
          Tích Lan, Ấn Độ nhu Sudhana thuở nào,
          Rồi đây thuyền cặp Cửa Vàng,
          Chim trời tiếp đón dẫn đường đến nơi.
          Hình ảnh “cô thân vạn lý du” của nhà sư đến phương xa hoằng đạo làm cho tôi hồi tưởng tâm tình của Trịnh Cốc:
          Dương Tử giang đầu dương liễu xuân,             
          Dương Hoa sầu sát độ giang nhân,                  
          Sổ thanh phong địch ly đình vãn,                     
          Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần.                 
          dịch :
          Sông Dương Ngàn liễu đua tươi,
          Hoa Dương buồn chết dạ người sang sông,
          Đình hôm tiếng sáo não nùng,
          Anh đi bến Sở, tôi trông đường Tần.
                                                    Ngô Tất Tố
          Phật Giáo Việt Nam cùng Phật Giáo các nuớc bạn bắt đầu đưa Phật Giáo đến Hoa Kỳ ;  theo chân thiền sư Nhật Bản Imakita Kosen phái Lâm Tế, thiền sư Shinryu Suzuki phái Tào Động, thiền sư Sogaku Harada dung hợp hai truyền thống Lâm Tế và Tào Động, thiền sư Kyung Beo Sen Đại Hàn, thiền sư Kim Cang Thừa Tây Tạng, thiền sư Nhất Hạnh và các thiền sư Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan với truyền thống thiền Minh Sát (Vipăssana).
          Hòa Thượng Trí Chơn không dạy thiền mà truyền thừa pháp môn niệm Phật, theo dấu chân chư Tổ Tịnh Độ :  Năm 1852 trên 20,000 dân Trung Hoa đến Hoa Kỳ làm công nhân khai thác mỏ vàng. Năm 1860 họ chiếm một phần muời tổng số dân California. Vào cuối thế kỷ 19, tổng số người Trung Hoa tại Mỹ là 63,000. Năm 1867 những đoàn công nhân Trung Hoa bắt đầu đặt đường rày xe lửa cho hãng Central Pacific. Nhân nạn đói năm 1847-1848 tại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, giặc cướp nổi lên quấy phá, Hồng Tú Toàn, một tín đồ Baptist (Southern Baptist Church) cùng Chu Cửu Trụ thành lập Thượng Đế Giáo, thừa dịp khởi binh (1850) chiếm Lưỡng Quảng, tự xưng làm vua, lấy quốc hiệu là Thái Bình Thiên Quốc, đóng đô tại Nam Kinh, gọi là Thiên Kinh. Hồng Tú Toàn đi đến đâu phá hủy chùa chiền, đình miếu đến đó. Nhà truyền giáo Hoa Kỳ Charles Taylor diễn đạt cảnh tượng phá hoại và cảm tuởng của mình : “Thật là một cảnh tàn phá rất thích thú mà từ trước đến nay tôi chưa từng thấy. Nơi đây những mảnh vụn của các bức tượng sơn son thếp vàng tung vải khắp nơi, chỗ khác bàn thờ, hương án, bình hoa, lư hương, kinh Phật và những dụng cụ bị đập vỡ, xé rách đầy mọi ngã . . .” Nông dân ở những vùng Hồng Tú Toàn chiếm đóng, bị bắt làm tù binh và đuợc gửi đến Peru làm cu li, những người khác đuợc chở đến Mỹ làm công cho các chủ hầm mỏ, chủ làm đường rầy xe lửa. Một nhà truyền gíao nhận định Trung Quốc có bốn tà giáo, đó là Lão Giáo, Phật Giáo, Thờ Cúng Ông Bà và Nghiện Thuốc Phiện.” (Miller, Stuwart Creighton :  The Unwelcome Immigrant : The American Image of the Chinese, 1785-1882, Berkeley and Los Angeles : The University of California Press, 1969).
          Chùa nguời Trung Hoa phản ảnh tôn giáo đại chúng Trung Hoa cuối thời Mãn Thanh, là nơi thờ chung Tam Giáo :  Phật, Khổng, Lão. Đại đa số dân Trung Hoa di cư làm công nhân tại Hoa Kỳ đến chùa lễ bái, cầu khẩn, xin xăm, xin quẻ, rất ít người thông hiểu Phật lý, rất íi người quan tâm đến sự thịnh suy mai hậu.
          Chùa người Trung Hoa tại Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 và giữa thế kỷ 20 thường được dùng làm hội quán cho di dân Trung Hoa, đại đa số là dân lao động, nhưng từ khi lục địa Trung Hoa lọt vào tay Cọng Sản, dân Trung Hoa từ Hongkong, Singapore, Đài Loan di cư đến Hoa Kỳ phần đông là những nhà thương mãi, trí thức, họ dã xây dựng những ngôi chùa lớn, những trường học Phật lớn, có chư tăng ni lãnh đạo, cách sinh hoạt trong những ngôi chùa mới này không giống những ngôi chùa xưa, mang sắc thái đặc biệt của tông phái Thiên Thai, Tịnh Độ và Thiền như Hội Phật Giáo Hoa Kỳ Kim Sơn Thiền Tự, Vạn Phật Thành và Fu Kuang Shan Shi Lai (Chùa Tây Lai Phật Quang Sơn).
          Qua công tác hoằng truyền, Hòa Thượng Trí Chơn có dịp tiếp xúc với chư Tăng Ni Phật Tử theo Mật Tông. Hòa Thượng có dịp quan sát một thanh niên Hoa Kỳ đứng truớc bàn thờ trên đó có treo một tấm tranh Thanka Tây Tạng, với đức Phật Thích Ca ngồi chính giữa. Thanh niên đứng chấp tay bái lạy. Anh dong hay bàn tay lên quá đầu, hai bàn tay chắp lại thành hoa sen, không sát nhau, khoảng trống chính giữa hai tàn tay tuợng trưng cho bảo vật cúng dường Tam Bảo. Hai bàn tay dơ lên trên đầu là để đảnh lễ Phật, hai bàn tay hạ xuống cổ là để đảnh lễ Pháp, hai bàn tay để ngay trái tim là để đảnh lễ Tăng. Anh phủ phục xuống đất trong tư thế ngũ thể đầu địa :  toàn thân trải dài xuống đất, hai đầu gối chạm mặt đất, hai lòng bàn tay xòe ra giữa đất và trán chạm sát đất. Mỗi lạy là một câu niệm Om Mani Padme Hum, là một quán tưởng sắc thân Phật, là ý thức liên tục Qui Y Phật, Qui Y Pháp, Qui Y Tăng ;  thân khẩu ý hòa hợp trong mỗi động tác, trong mỗi lời xưng tán, trong tâm niệm cứu độ tát cả chúng sinh. Đó là phương pháp lạy Phật của người Tây Tạng, của tín hữu Mật Tông.
          Hòa Thượng Trí Chơn đến Hoa Kỳ vào lúc Phật Giáo Hoa Kỳ đã có chân đứng khá vững vàng với một số chư tăng, thiền sư có uy tín như Ruth Fuller, Paul Carus, Phillip Kapleau, Jeffery Block (Bhikku Bodhi), Joseph Goldstein, Jack Kornfield, Sumedho, Dr. Alexander Berzin, Prof. Jefferey Hoplons, Jonathan Landaw, Robert Alexander, Farra Thurman, Turrell W. Wylie, Robert Aitken, Richard Baker, Bernard Glassman, Dennis Merzel, Walter Norwick, Joe Stevens, Alfred Bloom, Ken Wilber và vô số học giả, trí thức Hoa Kỳ khác. . . Sau thời gian 100 năm trong đà chuyển hóa, Phật Giáo Mỹ đã bắt đầu trưởng thành với nhiều cơ sở Phật Giáo Mỹ được thành lập, đặc biệt là những thiền viện đào tạo nhân sự cho Phật Giáo Hoa Kỳ.
          Nước Mỹ không có Ngũ Đài Sơn, không có núi Phú Sĩ, không có Trúc Lâm Yên Tử với truyền thống Phật Giáo lâu đời trong cảnh trí thiên nhiên để chiêm bái. Họ tự tạo dựng lấy, dành thì giờ suốt ba năm để tạo con đường mòn chiêm bái trên núi nối liền 9 trung tâm cách hàng nghìn cây số, từ Santa Cruz đến Rock Spirit, đến Green Gultch Farm tại Marin County, California.
          Trong kỳ bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ tháng 11 năm 1988, một nhà bình luận chính trị đã nói về Mario Cuomo, Thống Đốc New York khi ông này không chịu ra tranh cử ứng cử viên Dân Chủ như sau : “Cuomo rất là Zen, ông ra tranh cử bằng cách không ra tranh cử.” Ai có thể tưởng tượng đuợc danh từ Zen của Phật Giáo Nhật Bản chỉ cách đây hơn 50 năm bây giờ đã trở thành một đề tài chính trị Hoa Kỳ. Danh từ Zen từ chữ Thiền Trung Hoa. Chữ Thiền từ chữ cổ Sanscrit Dhyana đã lưu chuyển qua một thời gian ba nghìn năm, vuợt qua một không giam mênh mông từ chân núi Hy Mã Lạp Sơn đến vùng sa mạc Trung Á, đến đồng ruộng dọc lưu vực sông Hoàng Hà, sông Duơng Tử, đến những ngôi chùa cheo leo trên đỉnh núi Phù Tang và cuối cùng trèo lên các cao ốc chọc trời New York !
          Trong buổi lễ trao giải Oscar cho các tài tử điện ảnh Hollywood, Adam Yauch, ca sĩ 33 tuổi đã cùng ban nhạc trình bày bản Bodhisatwa Oath (Bồ Tát Nguyện) cho thính giả Hoa Kỳ, nói lên hoài bảo cứu nhân độ thế tiềm ẩn trong lòng dân chúng. Đại Học Syracuse tổ chức Hội Thảo với chủ đề The Flowering of Buddhism in America  (Phật Giáo Nở Hoa Trên Đất Mỹ). Đại Học Michigan tổ chức Hội Thảo với chủ đề World Buddhism in North America  (Phật Giáo Thế Giới tại Bắc Mỹ). Viện Phật Học Berkeley, California,  tổ chức Đại Hội với chủ đề Buddhism in America : An Expanding Frontier (Phật Giáo Hoa Kỳ :  Một Biên Thùy Mở Rộng)
          Hoa Kỳ là một Hiệp Chủng Quốc. Trên đất Mỹ có nhiều giáo phái Phật Giáo, với những truyền thống khác biệt, nhưng không làm trở ngaị hay phân hóa mà trở thành phong phú, đa dạng. Đến năm 1994 tại Hoa Kỳ ít nhất trên 24 Đại Học có Phân Khoa Phật Học với trên 150 học giả thực hành Phật Giáo, 429 trung tâm giảng dạy giáo lý Phật bằng Anh Ngữ, 1062 trung tâm hành trì giáo lý Phật dành cho nguời Hoa Kỳ (theo Don Morreal trong cuốn Buddhist America). Trang điện toán Journal of Buddhist Ethics phần Global Resource for Buddhist Studies cho chúng ta liên hệ với hàng trăm cọng đồng Phật Giáo gọi là Sangha khắp Hoa Kỳ. Hội Thiền Minh Sát (Vipassana) tại Barre, Massachusetts, Trung Tâm Rock Spirit tại California là những cơ sở thiền Minh Sát Hoa Kỳ với những thiền sư danh tiếng như Joseph Godstein, Jack Kornfield, Sharon Salzberg, Christina Feldman..
          Tôi có dịp tiếp xúc với một số chư tăng Hoa Kỳ lúc Hòa Thượng Thiên Ân còn sinh tiền. Họ phát biểu ý kiến một cách thẳng thắn truớc mặt Hòa Thượng là chư Tăng Việt Nam, hay bất cứ chư Tăng nào không gia đình, không thể hành đạo tại Hoa Kỳ vì họ không có kinh nghiệm về những khó khăn vợ chồng, con cái, anh em trong gia đình để có thể cố vấn hay hướng dẫn một cách cụ thể và có hiệu quả. Chúng tôi cũng như Hòa Thượng Trí Chơn không san sẻ hoàn toàn quan điểm của họ. Chúng tôi nói với họ truyền thống Lâm Tế mà người Mỹ đang hành trì là do Lục Tổ Huệ Năng khai sáng và Lục Tổ Huệ Năng không phải là vị sư có gia đình. Hơn nữa bác sĩ mổ tim không cần phải mang bệnh tim mới chữa trị được ;  nhà tâm lý trị liệu không cần phải mắc bệnh tâm thần mới có thể chữa bệnh tâm thần một cách có hiệu quả. Thực ra con đường giải thoát không dành riêng cho một phần tử nào mà cho tất cả mọi người có tâm tìm cầu và hành trì, tu tập. Trong phiên họp của Hội Phật Giáo Mỹ (American Buddhist Congress) gần đây, chúng tôi được gii thiệu với một vài vị sư người Mỹ trắng, mặc quần jean, áo chemise xanh, đầu cạo trọc, đang phụ trách chương trình giúp đỡ tù nhân trong các trại tù và trại cải tạo vùng Los Angeles, đuợc giới thiệu với một nữ thiền sư người Mỹ Da Đỏ mặc thường phục. Họ là tu sĩ hiện đại hóa, một khuynh huớng thiệp thế, dân chủ, nam nữ bình quyền rất thịnh hành của Phật Giáo Hoa Kỳ. Giá trị phổ cập của khuynh hướng hiện đại hóa, thế tục hóa, cá nhân hóa ai cũng thấy rõ, nhưng cái nguy hiểm của nó cũng cần phải luu tâm. Đem giáo lý để phục vụ cá nhân là điều cần thiết, nhưng đem giáo lý để chuyển hoá cá nhân không phải là điều không quan trọng. Khuynh huớng hiện đại hóa Hoa Kỳ trong đó nhu cầu cá nhân quan trọng hơn tổ chức, trong đó vị trí thế tục, quảng đại quần chúng được cách biệt và quan trọng hóa. Nhưng cách hành trì đặt nặng cá nhân này đôi khi tạo sự kiêu ngạo, không kiên nhẫn đối với truyền thống xưa, một truyền thống có giá trị chuyển hóa cá nhân thay vì cá nhân đòi hỏi truyền thống phải uốn mình thỏa mãn nhu cầu của họ.
          Hòa Thượng Trí Chơn rời chùa Vạn Hạnh, San Diego đến sống tại tại Phật Học Viện Quốc Tế vì nhận thấy không thích hợp trong việc điều hành tự viện, nhận thấy cần nhiều thì giờ đi đó đi đây hoằng truyền chánh pháp thay vì đóng đinh tại một chỗ. Sống tại Phật Học Viện nhưng Hòa Thượng không tham gia bất kỳ sinh hoạt nào của chùa, của Phật Học Viện, không làm lễ, không nói pháp, không chấp tác Phật sự. Hòa Thượng rất kiên trì trong lối sống như thế vì Hòa Thượng không muốn gây xáo trộn nếp sống hàng ngày trong chùa. Hòa Thượng không muốn có ảnh hưởng gì đến chúng tăng hay Phật Tử của chùa. Hòa Thượng sống đời đạm bạc Tam Thường Bất Túc. Chiếc xe hơi của Hòa Thượng thì  thật bấr hủ, không biết làm sao Hòa Thượng Đức Niệm và chư tăng trong chùa có thể dung chứa chiếc xe lạ kỳ ấy. Thế nhưng Hòa Thượng vẫn lạch cạch sử dụng nó đi đó đi đây. Có lần Hòa Thượng bị cảnh sát chận lại làm khó dễ, tôi phải tức tốc chạy tới sau khi đuợc Hòa Thượng gọi phone cấp báo. Cái phòng của Hòa Thượng không khác gì ổ quạ, sách vở choáng cả lối đi. Trong căn phòng nhỏ này Hoà Thượng vừa dùng để ngủ, để làm việc, để nấu ăn. Áo quần Hòa Thượng mặc không biết đuợc may vào thời nào và không biết mỗi tháng giặt mấy lần và đồ ăn của Hòa Thượng thì không biết đã nấu tự ngày nào. Cũng may là Hòa Thượng không dừng chân một chỗ lâu thời gian. Hòa Thượng luôn luôn di chuyển, đi từ nơi này đến nơi khác, suốt ngày, suốt đêm trên xe buýt xuyên bang.
          Vào tháng 9 năm 1991 các vị lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam ở hải ngoại nhận được bức Tâm Thư đề ngày 10-9-1991 và bức Thông Điệp đề ngày 31-10-1991 của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, xử lý thường vụ Viện Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất gửi từ Huế, Việt Nam, cổ võ chư tăng ni Phật Tử Hải Ngoại bỏ mọi dị biệt,  ngồi chung lại với nhau để cùng hoằng dương Chánh Pháp. Chư tăng ni Phật tử và Gia Đình Phật Tử Hoa Kỳ đã tích cực hưởng ứng, triệu tập Đại Hội ngày 25-27/9/1992 tại San Jose, tiểu bang California để hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ với sự tham dự của trên 200 đại biểu thuộc gần 100 đơn vị tham dự. Hòa Thượng Trí Chơn đuợc cung thỉnh vào Hội Đồng Giáo Phẩm, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa và sau đó là Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ, Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ. Ngày 6-12-1992 Hòa Thượng đuợc tấn phong vào cương vị Hòa Thượng và vào tháng 10 năm 2003 Hòa Thượng được suy cử vào Hội Đồng Giáo Phẩm Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

          Nhận thấy một số Tăng Ni huynh đệ đồng môn đang hành đạo khắp nơi trên thế giới cần có nơi gặp gỡ, sách tấn lẫn nhau, Hòa Thượng Trí Chơn đã cho xúc tiến thành lập Linh Mụ Tự tại tiểu bang Georgia. Đây là nơi đệ tử của cố Hòa Thượng Đệ Tam Tăng Thống hàng năm vân tập làm lễ Kỵ tưởng niệm công ơn nuôi duỡng, hướng dẫn của vị bổn sư thương kính, là nơi chư tăng ni không phân biệt tông phái hệ phái có dịp trao đổi kinh nghiệm hoằng đạo tại xứ người. Ngoài ra Hòa Thượng Trí Chơn còn giữ chức vụ lãnh đạo tinh thần cho gần 30 Hội Phật Giáo và hơn 20 ngôi chùa, Niệm Phật Đường khắp 15 tiểu bang tại Hoa Kỳ. Mặc dầu vậy, Hòa Thượng là nguời an phận, thủ thường, âm thầm, kiên trì lo sáng tác, dịch thuật, đóng góp vào gia tài văn hóa Phật Giáo, thường xuyên gửi bài đến các tạp chí Phật Giáo khắp nơi trên thế giới.
          Tháng 9 năm 2008 sau Giáo Chỉ số 9 và Thông Tư thi hành Giáo Chỉ giải tán các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại vuợt ngoài quyền hạn, Hiến Chương, Qui Chế làm cho Phật Giáo năm châu điêu đứng, chư tăng ni Phật Tử Hoa Kỳ triệu tập Đại Hội, chấn chỉnh tổ chức, thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu. Trong kỳ Đại Hội này Hoà Thượng đuợc cung thỉnh vào thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm và được mời làm Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành cho đến ngày Hòa Thượng viên tịch.
          Hòa Thượng Trí Chơn trong những năm cuối đời thấy nguời Mỹ đang chuyển mình sau Chiến Tranh Triều Tiên, Chiến Tranh Việt Nam, Chiến Tranh Lạnh, chiến tranh Chống Khủng Bố. Hoa Kỳ đang âm thầm trải qua một cuộc cách mạng đạo đức. Các nhà chính trị gia bảo thủ muốn thay đổi giá trị, lý tưởng, uớc vọng quốc gia, gạt sang một bên lòng nhân ái và đức tinh khoan dung. Trong vòng ba muơi năm qua sắc diện Hoa Kỳ có chiều thay đổi :  người Mỹ bây giờ có vẻ khắc hơn người Mỹ truớc kia. Hoa Kỳ luôn luôn có một hệ thống đạo đức quốc gia khá phức tạp. Một bên là Hoa Kỳ với cá nhân tính dạn dày phong sương chịu ảnh huởng năng nề của đạo đức Khắc Kỷ tự lập, tự tồn, siêng năng cần mẫn, tinh thần trách nhiệm cá nhân, Chúa chỉ giúp đỡ những người tự biết giúp đỡ lấy mình và bổn phận cao quí nhất là sống ngay thẳng, chính chuyên. Quan niệm sống này đã đuợc các bậc tiền nhân từ Cotton Mather qua Ralph Waldo Emerson đến Billy Graham soi đường chỉ lối, Một bên khác là Hoa Kỳ với tinh thần cọng đồng, cưu mang nhau, đùm bọc nhau, rộng lượng, bác ái. Trong lãnh vực này người My nhận thấy sự cứu rỗi phát xuất từ thiện tâm, từ công tác từ thiện. Trách nhiệm cao quí nhất là giúp đỡ kẻ khác, là san sẻ những gì mình có cho nguời chung quanh. Quan niệm sống này đuợc các bậc tiền nhân từ Walt Whitman qua cuối thế kỷ 19 trong Phong Trào Phúc Âm Xã Hội (Social Gospel) đến mục sư Martin Luther King Jr..
          Hai hệ thống đạo đức này tồn tại song song không đối nghịch mà bổ túc cho nhau đuợc thể hiện trong mỗi người vừa tự lập, tự cường, phát triển cá nhân tính, vừa từ bi, bác ái, rộng lượng giúp đỡ kẻ khác, được diễn tả trong lời tuyên bố bất hủ của Thomas Jefferson sau cuộc tranh cử Tổng Thống năm 1800 : Tất cả chúng ta đều là Cọng Hòa, đồng thời đều là Liên Hiệp (We are all Republicans, we are all Federalists), tuy hai mà một, tuy hai Đảng nhưng cùng là nguời Mỹ.
          Nhưng rồi trong vòng ba mươi năm lại đây có cái gì đã xảy ra làm thay đổi sắc diện đạo đức của Hoa Kỳ. Nếu ai theo dõi diễn biến chính trị Hoa Kỳ đều thấy rõ sự xuất hiện và bành trướng của phe cực hữu với những chủ trương bài trừ quyền phá thai, quyền đồng tính luyến ái . . . kết quả những vấn đề đạo đức đã bị chính trị hóa, chống đối lẫn nhau. Bác ái từ bi xem như là nhẹ dạ, thiếu tự tín ;  khoan hồng, rộng lượng bị xem như là hai chiều, thiếu thành khẩn, thiếu cương quyết, không chính chuyên; sự cởi mở, thỏa hiệp, hòa hợp, hòa giải bị xem như là bắt cá hai tay ;  tinh thần cọng đồng, thương yêu đùm bọc nhau bị xem lợi dụng ;  công bằng, phải chăng bi xem như là toan tính, mưu mô. Nuớc Mỹ giò đây có vẻ khắt khe hơn, nguội lạnh hơn, con tim sắt đá hơn. Nước Mỹ đang trải qua một cuộc cách mạng tâm linh, không biết có đem lại hào quang sáng chói hay đi vào vưc thẳm của cực đoan, phân hóa. (Xem :  Neal Gabler : America the Stony-hearted , Los Angeles Times, Sunday May 22, 2011)
          Phật Giáo Việt Nam trong vòng 50 năm, sau khi thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tháng Giêng năm 1964 vì nội lực chưa thâm hậu nên trước những cơn bão tố chính trị tiếp tục hoành hành đã bị phân tán thành hai khối Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang, rồi từ đó biến thành từng mảnh vụn, dậu đổ bìm leo, thân hình tiều tụy trong những mảnh áo xác xơ mang nhiều chiêc mặt nạ hoàn toàn xa lạ với bản hoài Phật Tổ. Tại quốc nội cũng như ở hải ngoại bức tường ngăn cách ngày càng cao, càng vững chãi khiến cho người con Phật không thể nhìn mặt nhau, không khác phái Sunni và Shii của Hồi Giáo trên diễn đàn đại chúng. Có những vị sư cấm không cho Phật Tử chùa mình đến chùa khác vì cho chùa khác là thân cọng, (cọng sản mà cũng có chùa thờ Phật, giảng đạo ?) vì làm như vậy là đi hàng hai, không chính chuyên. Còn đâu nữa âm thanh của Phật : “Này Bảo Tích : Tất cả chúng sinh là cõi Phật của Bồ Tát. Vì sao ? Bồ Tát tùy chỗ giáo hóa chúng sinh mà lãnh lấy cõi Phật . . . Bồ Tát lãnh lấy cõi Phật thanh tịnh đều vì muốn lợi ích chúng sinh . . .”. (Kinh Duy Ma Cật, Phẩm Phật Quốc). Ngay đức Khổng Tử cũng có nói :  “Tố phú quí hành hồ phú quí, tố bần tiện hành hồ bần tiệm, tố di địch hành hồ di địch.” Vô lẽ vị “Thiên nhân chi đạo sư” trong thiên chức “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi sự nghiệp” mà không thể uyển chuyển, tùy duyên hóa độ hay sao ?
          Đức Phật sau khi thành đạo trong vòng 49 năm đã giảng truyền đạo pháp, tùy theo căn cơ, theo quốc độ, theo các nền văn hóa khác biệt, mục đích chính là khai ngộ cho chúng sinh, đem an lạc giải thoát cho mọi lớp người. Chúng sinh tùy theo trình độ mà đón nhập lời dạy của Phật. Gia tài pháp bảo của Phật để lại sau khi Ngài nhập niết bàn thật hết sức đa dạng, phong phú. Vì vậy Bồ Tát Đạo không chỉ có một Thiện Tài Đồng Tử, không chỉ có một Duy Cật Cư Sĩ, không chỉ có một Thắng Màn Phu Nhân mà trong vô số hình hài, vô số phuơng tiện. Thắng Màn Phu Nhân trong lời phát thệ đã tỏ bày : “Không vì riêng mình mà thực hành bốn nhiếp pháp”. Bồ Tát huớng đến Phật đạo không chỉ vì thành tựu uớc vọng của riêng mình mà là sự nghiệp chung của tất cả. “Bồ Tát không đến để phá hủy những gì thế gian đang có và đang ước vọng :  tài sản, tình yêu, hạnh phúc . . . nhưng đến để xây dựng lại những gì đã sụp đổ, nối kết những gì bị đứt lià . ..”
          Trong Khuddaka Nikaya (Udana 6:4) Phật kể câu chuyện ông vua thành Shravasti (Xá Vệ) một hôm bảo tên thị vệ tập trung những người sinh ra đã mù lại một chỗ rồi mang một con voi đến cho những người mù, bảo họ sờ voi xong diễn tả con voi cho vua nghe. Người sờ đầu, sờ tai, sờ vòi, sờ thân hình, sờ chân, sờ đuôi con voi . . . diễn tả con voi theo nơi sờ, theo kinh nghiệm riêng của mình, cho nguời khác nói sai, Họ cãi nhau rồi tức giận đánh nhau . . . Đức Phật kể câu chuyện này để nói tình trạng bất hoà giữa các giáo phái đương thời. Không những họ cố thủ ý kiến, quan điểm của mình mà còn dựa vào sự khác biệt ấy, khai thác sự khác biệt ấy để trục lợi, để kéo bè, kéo lũ. Khi sự khác biệt đi đến mức độ này, nội dung của sự bất đồng bị chệch hướng, ngã tuớng nổi dậy và câu chuyện trở thành trầm trọng. Quan điểm dị biệt là chuyện bình thường. Cái chìa khóa cho sự hòa hợp là học chấp nhận sự khác biệt mà không cần đi đến cực đoan, quyết liệt cho rằng mình đúng, người khác sai. Trong Trung A Hàm Phật dạy người ta chỉ có thể đạt đuợc sự thật khi biết nhận quan điểm chỉ là quan điểm mà không cần phải đi xa hơn nữa, không cần đi đén điểm cực doan cho cái này đúng, cái kia sai. Cốt lõi của câu chuyện cho chúng ta thấy mỗi sự việc có thể nhìn ở nhiều khía cạnh khác nhau và không có khía cạnh nào là tuyệt đối. Do đó ta có quyền bất đồng ý kiến mà không phải đi đến chỗ loại trừ, ngăn cách nhau . . .
          Sau Tết năm nay, trước khi đi thăm Miến Điện, Việt Nam, Cao Mên, Lào, tôi ghé Phật Học Viện Quốc Tế vấn an Hòa Thượng Trí Chơn. Thầy hỏi tôi đi làm gì nhiều chỗ vậy, có đủ sức khỏe hay không. Tôi nói chưa đến nỗi gì, vẫn đủ sức đi được. Nếu chần chừ mãi thì không biết khi nào có dịp thăm Miến Điện xem tình hình Phật sự bên đó như thế nào. Tôi hỏi thăm sức khỏe, Hòa Thượng cho biết độ rày ăn uống không được ngon miệng và bệnh gan có mòi không tốt. Tôi khuyên Hòa Thượng cẩn trọng, giữ gìn sức khỏe. Hòa Thượng cười, xem chuyện ấy không mấy quan trọng.
          Về Việt Nam trong khi chờ đợi visa đi Miến Điện, tôi viếng thăm quí Hòa Thượng tại Sàigòn, đến Long Khánh dâng hương cố Hòa Thượng Nhật Liên và sau đó đi Thất Sơn hành hương. Anh Vũ Sơn, Phụng Hoàng Sơn, Liên Hoa Sơn, Ngọa Long Sơn . . .  những địa danh làm tôi choáng váng lúc đọc cuốn Tiền Tam Giang Hậu Thất Lĩnh của Dương Thanh Tồn. Trên đường đi núi Cấm chiêm bái chùa Vạn Linh, nơi Hòa Thượng Trí Tịnh xuất gia năm 1937 theo thầy là Hòa Thượng Thiện Quang tu học trước khi ra Huế gia nhập Phật Học Viện Báo Quốc cùng thời với Hòa Thượng Trí Quang, Hòa Thượng Thiện Siêu, Hòa Thượng Thiện Minh . . . tôi đuợc tin Hòa Thượng Trí Chơn an nhiên thị tịch ngày 14-3-2011. Đêm hôm ấy tôi không làm sao chớp mắt. Hình ảnh Hòa Thượng lảng vảng trong tâm. Hình bóng của một Hòa Thượng sống đời bình dị trong căn phòng nhỏ bé, âm thầm, kiên trì hoằng hóa. Tôi lẩm bẩm nói một mình như tiếc nuối, như bàng hoàng, sửng sốt :  Hòa Thượng không còn nữa, Hòa Thượng Trí Chơn không còn nữa !
          Tôi ra Huế, được tin Thượng Tọa Trí Tựu làm lễ tứ tuần cho Hòa Thượng Trí Chơn tại chùa Linh Mụ. Tôi đến chùa dự lễ. Nhìn ảnh Hòa Thượng đặt trên bàn thờ, tôi ứa nước mắt chấp tay cầu nguyên Hòa Thượng sớm về cõi Phật, được gần gũi bổn sư cho bõ những năm tháng dài xa cách, để bồi dưỡng nội lực truớc khi trở về cõi Ta Bà cùng tất cả chúng sinh xây dựng cõi Phật thanh tịnh.
                   

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
CẢM NIỆM LÊN ÔN : Hậu duệ Thích Nữ Hạnh Thanh
ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ CHƠN : Quảng Tài Nguyễn Trà
Đôi Nét Về Hòa Thượng Thích Trí Chơn
GIÁ TRỊ CỦA PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN HIỆN ÐẠI
Phật Giáo Tây Phương
PHẬT GIÁO TRUYỀN BÁ TỪ ĐÔNG QUA TÂY PHƯƠNG
Thông Điệp Tình Thương Của Đức Phật
ANAGARIKA DHARMAPALA A DỤC VƯƠNG CỦA TÍCH LAN
Con Đường Sống Theo Phật Giáo
Diễn Văn Khai Mạc của Chủ Tịch Hội Liên Hữu Thế Giới
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3150039
Có -617 Khách Đang Online